Kiến nghị đề xuất thay đổi chế độ chính sách tiền lương cho kế toán trường học

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc  

Ngày 09 tháng 09 năm 2023  

TÂM THƯ GỬI TỔNG BÍ THƯ - THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ - CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM   ​  

Kính gửi: Bác NGUYỄN PHÚ TRỌNG - Tổng bí thư nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

          Bác PHẠM MINH CHÍNH - Thủ tướng chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

          Bác VƯƠNG ĐÌNH HUỆ - Chủ tịch quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

          Chú VÕ VĂN THƯỞNG - Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

          Cùng các bác bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

      Chúng cháu là những nhân viên kế toán trường học trên cả nước. Chúng cháu biết các Bác rất bận rộn với các công việc trọng đại của đất nước, nhưng xin các Bác hãy dành một chút thời gian của mình để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chúng cháu.

   *  Thưa các bác, chúng cháu là những kế toán thế hệ 7x, 8x, 9x với đầy những nhiệt huyết trong lòng, luôn tận tâm với nghề góp phần công sức cống hiến cho ngành tài chính nước nhà ngày 1 phát triển, cũng như sát cánh cùng sự thay đổi lớn lao của ngành giáo dục hiện nay. Là người luôn phải nghiên cứu các văn bản, các quy định để thực hiện chế độ chính sách cho tất cả mọi người, mà không khỏi tủi thân khi không thấy có chế độ gì dành cho bản thân mình nằm trong các văn bản của Chính phủ, là bộ phận chăm lo đời sống của toàn đơn vị nhưng của chính mình thì lại không được ai chăm lo. Chúng cháu cảm thấy chạnh lòng khi mỗi lần làm lương cho đơn vị thấy lương của mình lại thấp nhất bảng, thấp hơn cả những em GV mới vào nghề. Với sự cống hiến cho nghề cũng đã hơn 10 - 20 năm, nhưng tiền lương của chúng cháu cũng mới chỉ được khoảng 4 -> 6 triệu đồng tuỳ theo khu vực. Người xưa có câu “Có thực mới vực được đạo”, với sự phát triển của xã hội, sự leo thang về giá cả hiện nay, thì đồng lương còm cõi của mình chúng cháu luôn phải trăn trở suy nghĩ, tính toán chi tiêu dè xẻn làm sao để cho phù hợp, tiết kiệm nhất có thể để đảm bảo cuộc sống của mình và gia đình. Có 1 điều mà chúng cháu thắc mắc mãi là tại sao các ngành nghề khác đều có 1 đến 2 phụ cấp nào đó mà riêng ngành tài chính - kế toán của chúng cháu lại không có bất kỳ một phụ cấp nào, đặc biệt là khối trường học chúng cháu.

    - Chúng cháu thấy mình luôn bị bỏ quên ra ngoài các văn bản, các Nghị định quy định về chế độ chính sách tiền lương dành cho người lao động. Chế độ công vụ không dành cho đơn vị trường học, trong khi chúng cháu cũng là những viên chức làm việc theo giờ hành chính, phục vụ sự nghiệp giáo dục 8h/ngày và 12 tháng/năm như các cơ quan nhà nước khác. Chúng cháu cống hiến cho ngành Giáo dục, nhưng lại không được hưởng ưu đãi gì của ngành mà chính chúng cháu đang cống hiến như những nhân viên kế toán phục vụ trong các đơn vị như Y tế, vì văn bản quy định chế độ của ngành Giáo dục dành cho nhà giáo chứ không phải cho tất cả công chức, viên chức công tác trong ngành. Thiết nghĩ chúng cháu là bộ phận gián tiếp góp phần cho sự phát triển của ngành Giáo dục nước nhà, chúng cháu phục vụ ngành Giáo dục thì ngành Giáo dục cũng nên có chế độ phụ cấp riêng cho chúng cháu như bộ phận hành chính họ cống hiến cho ngành Y tế.   

      Mỗi công việc đều có đặc thù theo nghề nghiệp và sự vất vả riêng. Thiếu 1 ngành nghề nào đấy cũng đều không đảm bảo cho sự phát triển của đất nước, với thời đại ngày càng phát triển thì ngành tài chính - kế toán cũng là 1 ngành quan trọng, nó là 1 mắt xích không thể thiếu đảm bảo về mọi mặt tài chính cho 1 quốc gia, và chúng cháu những nhân viên kế toán trường học cũng là 1 trong những mắt xích nhỏ đó. Nghề kế toán là 1 nghề rất áp lực, đòi hỏi người làm kế toán phải có cái đầu thật minh mẫn và nhanh nhẹn, luôn phải làm việc với các con số, trong một môi trường thường xuyên và có nhiều thời gian tiếp xúc với máy tính độc hại cùng ánh sáng xanh, với khối lượng công việc càng ngày càng lớn như hiện nay khiến cho công việc của kế toán phải làm ngày làm đêm mới hoàn thành được công việc, vì vậy rất hay căng thẳng đầu óc, dễ bị stress, và bị rối loạn tiền đình, thiếu máu lên não; lại phải ngồi làm việc lâu với máy tính nên bị mỏi mắt, khô mắt gây ra các bệnh về mắt; làm thoái hoá đốt sống cổ, đau mỏi vai gáy và cong vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, thậm chí có nhiều người còn bị nhiễm điện từ trường. Vậy mà lại không có được cái gọi là phụ cấp ưu đãi nghề hay trách nhiệm theo nghề như các nghề khác, hay được đưa vào là nghề độc hại để được giảm tuổi nghỉ hưu bởi những người làm kế toán không thể đủ minh mẫn và sức khoẻ để có thể cống hiến với nghề đến 60 tuổi. Nghề kế toán cũng cần phải có kinh nghiệm làm việc, vậy nhưng tuyệt nhiên lại cũng không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.         - Trên đây mới chỉ là sự vất vả chung của nghề kế toán, còn tùy theo vị trí việc làm mà còn nhiều sự vất vả riêng nữa. Như kế toán ở các khối trường học MN, TH&THCS tuy theo nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh của ngân sách thì không nhiều, nhưng lại phải kiêm nhiều mảng công việc như: kế toán các khoản thu ngoài ngân sách, học phí, kế toán mảng bán trú, công đoàn, nhiều đơn vị kế toán còn kiêm cả mảng Đảng phí, và do không có nhiều bộ phận phục vụ, nên chúng cháu phải kiêm đủ thứ việc trên đời như: văn thư, tạp vụ, đánh trống, rửa ấm chén, quét dọn văn phòng, dọn nhà vệ sinh, có trường còn kiêm cả y tế, thư viện, thiết bị nếu như đơn vị không có những nhân viên làm công việc này... Và rất nhiều những việc không tên khác mà không liên quan đến mảng tài chính của chúng cháu. Vậy mà lại không có bất kỳ 1 khoản phụ cấp hay khoản tiền làm thêm nào (trừ 1 số đơn vị HT tạo điều kiện hỗ trợ cho 1 vài buổi tiền làm thêm giờ). Có nhiều đơn vị kế toán làm trường có ăn bán trú, phải chịu trách nhiệm với cả đống hồ sơ về tiền ăn, các loại chế độ của học sinh nhưng lại không có được thêm tiền phụ cấp trách nhiệm. Và có những bạn kế toán phải kiêm 2 -3 đơn vị trường do bị thiếu nhân viên kế toán nhưng lại chỉ hưởng lương 1 đơn vị trường. Trách nhiệm chuyên môn thì lớn, phải chịu trách nhiệm trong nhiều năm, luôn gắn liền với pháp luật, nhưng phụ cấp trách nhiệm chỉ có 0,1 tức 180.000đ/tháng. Tiền lương 1 tháng không đủ nộp phạt 1 lỗi nếu vi phạm. Trong khi giáo viên nếu phải làm thêm nhiệm vụ hay giữ chức vụ gì thì đều có tiền phụ cấp, có những nhiệm vụ còn được giảm thêm tiết theo định mức hoặc tính thêm giờ. Khó khăn vất vả nhất đối với các bạn kế toán nữ, do đặc thù mỗi đơn vị chỉ có một kế toán, nên khi sinh đẻ vẫn phải tự làm mọi công việc của mình mà không được nghỉ ngơi trọn vẹn do không có kế toán thay thế trong thời gian nghỉ ngắn, dẫn đến rất ảnh hưởng sức khoẻ sau này. Một sự bất cập nữa là thời gian luân chuyển của kế toán rất ngắn từ 3 – 5 năm, gây khó khăn cho công tác báo cáo, kiểm tra, theo dõi tài sản, hồ sơ sổ sách.

     - Đội ngũ kế toán của chúng cháu cũng đã có rất nhiều bạn không bám trụ nổi với nghề vì đồng lương quá thấp nên đã rẽ hướng chuyển qua công việc khác, nhất là vài năm trở lại đây trên cả nước cũng có nhiều các bạn kế toán trường học đã nghỉ việc vì đồng lương quá eo hẹp không đủ trang trải cho cuộc sống, có lẽ trong các con số thống kê viên chức ngành GD nghỉ việc các bác cũng nằm được số lượng cụ thể của đội ngũ viên chức kế toán chúng cháu. Thật ra chúng cháu không ai muốn bỏ công việc mà mình đã cất công ăn học bao nhiêu ngày tháng, đã cống hiến hết cả tuổi thanh xuân, cũng chỉ vì bất đắc dĩ nên đành phải xa rời công việc mà mình yêu thích.

   - Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 – 2020 ngày 30/6/2022 có nói: một trong những trụ cột nhằm PCTN là việc Quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức để “không cần tham nhũng”, là Cải thiện chế độ tiền lương, tiền thưởng. Trong chương trình bồi dưỡng ngạch KTV của chúng cháu cũng có lần thầy giáo dạy môn Công vụ nói: khi CB, VC đảm bảo được đời sống thì họ sẽ không cần tham nhũng, và đây cũng là 1 điều trăn trở với bác để làm sao dẹp sạch tham nhũng đưa đất nước mình ngày càng phát triển hơn nữa. Vậy nên chúng cháu mong rằng Chính phủ và các bộ ngành (Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn lao động Việt Nam) sớm quan tâm xem xét sửa đổi, bổ sung các Thông tư, Nghị định tạo điều kiện thuận lợi cho chúng cháu được hưởng một số chế độ phụ cấp để có thể nâng cao thu nhập, đảm bảo được cuộc sống mà yên tâm công tác, cống hiến cho ngành, cống hiến cho sự nghiệp tài chính nước nhà, để không bạn nào phải cân đong đo đếm nhấc lên hạ xuống lá đơn xin thôi việc, như:

  + Phụ cấp ưu đãi nghề hoặc trách nhiệm theo nghề kế toán: Cho tất cả kế toán các cơ quan đơn vị bao gồm cả kế toán trường học giống như phụ cấp các ngành nghề: giáo dục, y tế, thanh tra, hải quan, toà án, kiểm sát…

+ Phụ cấp thâm niên nghề: bởi những người làm kế toán cũng cần phải có thâm niên, kinh nghiệm làm việc, cũng đều có thời gian công tác cống hiến trong ngành của mình như: giáo dục, y tế, thanh tra, hải quan, toà án, kiểm sát…

+ Phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với nghề kế toán vì có thời gian ngồi làm việc nhiều với máy tính và tính toán các con số dễ bị căng thẳng đầu óc, ảnh hưởng sức khoẻ và tinh thần.

+ Sửa đổi quy định “ưu đãi nghề đối với nhà giáo” thành “ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở giáo dục” và phân chia tỉ lệ % hưởng theo vị trí việc làm như ngành y tế, vì chúng cháu cũng là bộ phận hành chính không thể thiếu cống hiến cho ngành GD.

+ Tăng phụ cấp trách nhiệm công việc vì liên quan đến trách nhiệm quản lý tiền, đến pháp luật.

+ Bổ xung chế độ tiền lương đối với kế toán phải làm kiêm nhiều đơn vị.

*    Ngoài ra còn có 1 việc nữa đó là vấn đề thăng hạng của chúng cháu, với đồng lương ít ỏi của mình chúng cháu đã tự chắt bóp chi tiêu để tiết kiệm tiền đi học nâng cao trình độ và có bằng tốt nghiệp từ đầu năm 2013, 2014. Các bạn học cùng chúng cháu làm ở khối xã, thị trấn, các cơ quan thuế đều đã được xét chuyển ngạch luôn ngay sau khi có bằng tốt nghiệp và từ đó đến nay các cơ quan này vẫn xét chuyển ngạch cho CB, VC của họ khi đạt yêu cầu về trình độ. Chỉ duy nhất khối đơn vị SNCL của chúng cháu, nhất là khối trường học trực thuộc PGD là đến nay vẫn chưa được xét chuyển vì chưa có đợt và vì phải chờ văn bản hướng dẫn, chờ tổ chức thi thăng hạng. Chúng cháu mòn mỏi chờ 10 năm nay, đã rất nhiều lần chúng cháu kiến nghị và đã được lập danh sách đăng ký nhu cầu, thậm chí cũng đã làm cả hồ sơ chuyển hạng, chúng cháu cũng đã chắt bóp chi tiêu để tự đi học đủ các loại chứng chỉ cho đủ với tiêu chuẩn nhưng nay vẫn chưa được thi hay xét chuyển lên ngạch KTV. Các loại chứng chỉ, bằng cấp để đạt tiêu chuẩn thăng hạng cho đồng lương cao hơn 1 chút đến nay vẫn chỉ nằm 1 góc trong tủ không biết vướng mắc từ đâu? Trong khi chúng cháu được biết các tỉnh bạn như: Hà Nội (2022, 2023), Bắc Giang (2021, 2022, 2023), Lào Cai (2018, 2022), Cao Bằng (2020, 2022) … cũng đã tổ chức thi mấy năm nay rồi. Ngoài ra cũng có một số tỉnh tạo điều kiện cho viên chức được xét thăng hạng như: Hà Giang (2021, 2023), Bình Phước (2015, 2021).

    - Vừa rồi chúng cháu làm hồ sơ chuyển xếp lương mới cho GV theo Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 của đơn vị mình thấy có một sự bất cập lớn giữa việc chuyển xếp lương của chúng cháu với của giáo viên như này ạ. Cùng đang hưởng ngạch lương ở 1 trình độ đào tạo và hiện tại cũng đã có bằng Đại học như nhau nhưng:

   + Giáo viên tiểu học (hạng IV, hạng III hệ số lương khởi điểm bậc 1: 1,86; 2,10); THCS (hạng III hệ số lương khởi điểm bậc 1: 2,10) khi chuyển xếp lương theo thông tư 08 GV sẽ được xếp lại lương sang hạng III với bậc 1: hệ số 2,34. Còn kế toán chúng cháu cũng đang hưởng ngạch KTV trung cấp (hệ số lương khởi điểm bậc 1: 1,86); KTV cao đẳng (hệ số lương khởi điểm bậc 1: 2,10) khi chuyển xếp lương theo thông tư 29 chỉ được xếp lại lương sang ngạch KTV trung cấp với bậc 1: hệ số 2,10.

+ Giáo viên tiểu học, THCS (đang hưởng hạng II hệ số lương khởi điểm bậc 1: 2,34) khi chuyển xếp lương theo thông tư mới GV sẽ được xếp lại lương sang hạng II với bậc 1: hệ số 4,0. Còn kế toán chúng cháu cũng đang hưởng ngạch KTV (hệ số lương khởi điểm bậc 1: 2,34) khi chuyển xếp lương theo thông tư mới vẫn chỉ được xếp lại lương ở ngạch KTV với bậc 1: hệ số 2,34.

   + GV tiểu học, THCS thăng hạng II với ngạch bậc lương khởi điểm 4.0 không cần tiêu chí gì, chỉ cần đạt thành tích từ Giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên, thì đối với kế toán chúng cháu muốn lên được ngạch KTV chính với mức lương khởi điểm 4.0 lại rất khó khăn, ngoài những yêu cầu về các loại chứng chỉ còn phải đạt yêu cầu “Đã tham gia xây dựng ít nhất 1 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở (Tại khoản 4, Điều 6, Thông tư 29). Đối với kế toán trường học chúng cháu để đạt được yêu cầu này là rất khó, chúng cháu không có hội thi như giáo viên, xếp loại thi đua cuối năm chúng cháu luôn bị phân biệt đối xử, luôn bị xếp cuối cùng trong danh sách xếp loại. Thậm chí nhiều đơn vị, kế toán còn luôn bị cho ra ngoài lề bình xét thi đua, lúc nào cũng ưu tiên giáo viên vì giáo viên dạy học vất vả hơn nên nhiều khi chỉ là cái thành tích Lao động tiên tiến thôi chúng cháu cũng khó mà đạt được, trong khi chúng cháu luôn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mặt khác, việc thăng hạng lên ngạch KTV chính yêu cầu phải giữ ngạch KTV 9 năm, nhưng 10 năm nay chúng cháu còn chưa được xét chuyển lên ngạch KTV, thì đến bao giờ chúng cháu mới đủ điều kiện ạ. Vì vậy, về việc này chúng cháu kiến nghị lên các cấp, bộ ngành và Chính phủ như sau:

+ Thay đổi điều kiện thăng hạng và xếp lại lương của kế toán giống như của giáo viên tiểu học và THCS.

+ Bỏ hẳn hình thức thi thăng đối với viên chức; bỏ tiêu chuẩn giữ hạng đối với ngạch KTV khi thăng hạng; sớm triển khai xét và cho chúng cháu được truy lĩnh thăng hạng, vì chúng cháu đã bị chậm và thiệt thòi 10 năm nay.

*  Tại tỉnh Yên Bái có rất nhiều kế toán có thời gian hợp đồng kế toán có đóng bảo hiểm trước khi tuyển dụng không được xem xét để làm cơ sở xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí tuyển dụng theo mục 2 Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007. Sau đợt rà soát sai phạm theo Kết luận 71-KL/TW ngày 24/03/2020 của Ban bí thư, chúng cháu đã rất vui mừng vì được làm hồ sơ đề nghị điều chỉnh lại hệ số lương hiện hưởng cho đỡ thiệt thòi, mặc dù không được bù đắp đầy đủ nhưng được điều chỉnh lại lương hiện hưởng chúng cháu cũng đã rất vui mừng rồi, vậy mà đến nay 3 năm rồi chúng cháu vẫn chưa được sửa đổi. Kính đề nghị các cấp sớm xem xét điều chỉnh lại hệ số lương cho chúng cháu đỡ bị thiệt thòi.

      Cuối cùng chúng cháu tha thiết khẩn cầu kính mong các bác và các bộ ngành ở trên cùng quan tâm thấu hiểu hiện thực của chúng cháu và sớm thay đổi chế độ chính sách tiền lương để chúng cháu không bị thiệt thòi mà yên tâm được cống hiến, phát huy năng lực cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Chúng cháu xin chân thành cảm ơn!                                                   

Kính thư!      


Kế toán khối hcsncl    Liên hệ tác giả đơn thỉnh cầu

Ký Đơn thỉnh cầu này

Bằng việc ký tên, tôi chấp nhận rằng Kế toán khối hcsncl sẽ có thể xem tất cả các thông tin tôi cung cấp trong mẫu đơn này.

Chúng tôi sẽ không hiển thị địa chỉ email của bạn công khai trực tuyến.

Chúng tôi sẽ không hiển thị địa chỉ email của bạn công khai trực tuyến.

Chúng tôi sẽ không hiển thị số điện thoại của bạn công khai trực tuyến.


Tôi đồng ý xử lý thông tin tôi cung cấp trong biểu mẫu này cho các mục đích sau:




Quảng cáo Trả phí

Chúng tôi sẽ quảng cáo bản kiến nghị này đến 3000 người.

Tìm hiểu thêm...